Trong những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ, tình hình chính trị – an ninh trật tự ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, mạng lưới y tế được củng cố. Huyện Tam Dương là một huyện trung du miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, dân số trên 100 nghìn dân. Trung tâm y tế huyện Tam Dương được thành lập theo Quyết định số 2669/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2014 trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị y tế là: Trung tâm y tế (cũ), Bệnh viện đa khoa, Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm huyện, toàn huyện có 13 Trạm y tế xã/thị trấn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm, đáp ứng tốt nhu cầu “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”.
Trước khi sáp nhập 3 đơn vị y tế, mạng lưới y tế của huyện có nhiều khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ như: Không tập trung được nguồn nhân lực nhất là Bác sỹ, có nhiều đầu mối trong việc chỉ đạo, thực hiện dẫn tới chồng chéo nhiều nội dung, đầu tư cho y tế phải dàn trải cho cả 3 đơn vị… Ngay sau khi được sáp nhập, Đảng uỷ, Ban Giám đốc xác định: đó là thời cơ thuận lợi cho bước đột phá trong quá trình phát triển, đơn vị đã đưa ra nhiều định hướng, quyết sách để từng bước vững bước phát triển trong đó đáng chú ý các mặt sau:
Phát triển nguồn nhân lực: Bất cứ một lĩnh vực nào muốn có sự phát triển, yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Sau khi sáp nhập, toàn Trung tâm chỉ có 21 Bác sỹ, 1 Dược sỹ đại học nhưng sau một năm với nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực, Trung tâm đã thu hút được thêm 11 Bác sỹ, 2 Dược sỹ đại học. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng được đặc biệt chú trọng, hầu hết các Bác sỹ đều được đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo có uy tín như Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản TW…
Đầu tư trang thiết bị hiện đại: Các trang thiết bị hiện đại được Sở y tế đầu tư, đơn vị tự mua trong những năm gần đây đều triển khai đưa vào sử dụng phục vụ cho công tác khám chữa bệnh đều hiệu quả, ngoài ra đơn vị kêu gọi thêm nguồn viện trợ một số trang thiết bị như Hệ thống chạy thận nhân tạo, ghế răng…
Công tác quản lý bệnh viện: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện: triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, bấm số, gọi số, hiện số tự động, giúp cho quy trình khám chữa bệnh được rút ngắn tối đa, công tác quản lý dễ dàng, chính xác, hiệu quả…
Ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại: Các kỹ thuật hiện đại được triển khai như: chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật sản khoa, phẫu thuật một số chuyên khoa Tai mũi họng – Răng hàm mặt – Mắt, thở máy, hồi sức Nhi…
Đối với các Trạm y tế xã/thị trấn: Mời Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên về đào tạo tại chỗ cho tất cả các Trạm y tế xã nhiều kỹ thuật cận lâm sàng, xét nghiệm huyết học, vi sinh, ký sinh trùng…, đầu tư thí điểm cho 5 Trạm y tế xã các trang thiết bị sau khi được đào tạo và hiện tại các Trạm y tế được đầu tư đều triển khai có hiệu quả.
Nghiên cứu khoa học: Hàng năm, đều có 3-5 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đều được Hội đồng khoa học đánh giá cao về hiệu quả, thực tiễn và khả năng ứng dụng.
Từ những hướng đi đúng đắn trên con đường phát triển, kết quả kiểm tra cuối năm 2015 của Sở y tế Vĩnh Phúc đối với TTYT huyện Tam Dương đứng hàng đầu trong các đơn vị y tế tuyến huyện, đó là một phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể TTYT huện Tam Dương.
Thực hiện: KHĐD